• năm ngoái
Năm 257, tướng Ngụy là Gia Cát Đản làm phản ở Hoài Nam chống quyền thần Tư Mã Chiêu. Ngụy phải chia binh ở Quan Trung kéo về phía Đông. Khương Duy lại muốn thừa cơ tiến đánh.

Ông đốc xuất mấy vạn nhân mã kéo ra Lạc Cốc, theo lối tắt đến Trầm Lĩnh. Bấy giờ ở Trường Thành của Ngụy lương thảo tích trữ rất nhiều mà binh lính trấn giữ lại ít, nghe tin Duy đã đến, mọi người đều kinh hoảng. Đại tướng quân Tư Mã Vọng cố sức chống cự, Đặng Ngải cũng từ Lũng Hữu kéo đến, ba quân đều tụ tập ở Trường Thành.

Khương Duy thúc quân tới Mang Thủy, tựa vào núi lập doanh trại. Vọng và Ngải dựa sông Vị kiên trì cố thủ. Duy đưa thư khiêu chiến, Vọng và Ngải quyết không ra đánh.

Năm Cảnh Diệu nguyên niên, Khương Duy nghe tin Gia Cát Đản đã thất bại, bèn trở về Thành Đô.

Mùa xuân năm 262, Khương Duy lại lên kế hoạch ra quân đánh Ngụy. Mùa đông năm ấy, Khương Duy đốc xuất binh sỹ ra Hán Xuyên tiến đến lấy thành Hầu Hà, nhưng lại bị Đặng Ngải đánh đại bại, phải lui về giữ Đạp Trung.

Khương Duy nhiều năm chinh chiến không lập được chiến công gì, mà bỏ bê việc triều chính để bè lũ hoạn quan Hoàng Hạo lộng quyền ở trong cung. Hữu đại tướng quân Diêm Vũ cùng với Hạo cấu kết với nhau, âm mưu phế bỏ Duy lập Vũ lên thay. Duy rất lo lắng, không chịu trở về Thành Đô.

Duy ghét Hoàng Hạo phóng túng chuyên quyền, mới bẩm với Hậu chủ muốn giết đi. Hậu chủ nói: “Hạo chẳng qua là kẻ hầu mọn để sai bảo việc vặt mà thôi, xưa kia Đổng Doãn vẫn nghiến răng căm giận, ta vẫn hận việc ấy, ngươi sao phải hậm hực để ý làm gì”. Duy biết Hạo nương cậy vào Hậu chủ, sợ có lời thất thố, mới nhún nhường từ tạ lui ra ngoài. Hậu chủ lệnh cho Hạo đến gặp Duy tạ tội. Duy nói với Hạo rằng muốn ra Đạp Trung lập đồn điền trồng lúa, nhân đó tránh tai vạ.

Năm 263, Duy dâng biểu lên Hậu chủ rằng: “Thần nghe tin Chung Hội đang dồn binh ở Quan Trung, ắt có mưu toan tiến thủ, nên sớm sai Trương Dực, Liêu Hoá đốc xuất ba quân chia nhau bảo vệ cửa ải Dương An và đầu cầu Âm Bình để đề phòng nghiêm cẩn”. Hoàng Hạo lại cho mời đồng cốt đến, phán rằng sẽ chẳng có kẻ địch nào đến. Thế nên trong triều quần thần chẳng ai hay biết gì cả, còn Hậu chủ Lưu Thiện cứ kê cao gối mà ngủ.

Lúc ấy bên nước Ngụy, sau khi dẹp xong Gia Cát Đản, Tư Mã Chiêu đưa Tào Mao trở lại Lạc Dương. Ông ép Tào Mao phong mình làm Tấn công, lấy 6 quận thuộc Tinh châu và 2 quận thuộc Tư châu (Bộ Tư Lệ) làm đất phong, kiến lập Nhà Tấn trong lòng nhà Tào Ngụy, noi theo việc làm của Tào Tháo khi xưa. Tào Mao phải phong ông làm Tướng quốc, tước Tấn công, ban cửu tích. Trước sự chèn ép của Tư Mã Chiêu, Tào Mao không cam chịu.

Năm 260, Tào Mao tập hợp vài trăm người, đánh trống hò hét ở cửa cung xông ra ngoài, muốn đánh vào phủ Tư Mã Chiêu. Quân Tào Mao tiến tới Nam Khuyết phía nam thành, bị Hộ quân Giả Sung là thủ hạ tin cậy của Tư Mã Chiêu mang quân ngăn cản. Tào Mao đích thân rút kiếm xung trận. Giả Sung bèn sai thủ hạ là Thành Tế xông lại giết chết Tào Mao.

Tư Mã Chiêu làm như không biết gì, bắt Thành Tế trị tội giết vua và tru di tam tộc.

Được khuyến cáo