Đức Phật cảm hoá Angulimāla

  • yesterday
26. Đức Phật cảm hoá Angulimāla
Câu chuyện này kể lại rằng, ở nước Kosala do vua Pasenadi trị vì, có tên cướp khét tiếng tên Angulimāla, là tay thợ săn bạo tàn, gặp ai giết nấy, khiến cho dân làng rất lo sợ. Từ khi có tên cướp này xuất hiện, khắp mọi xóm làng, thành ấp, quốc độ đều không còn yên ổn nữa. Mỗi lần giết người, nó cắt ngón tay trỏ phải làm thành vòng hoa mang vào người. Tên sát nhân ghê rợn này giết cho đến khi nào tràng hoa ấy xâu đủ 1.000 ngón tay như vậy để trả học phí cho ông thầy dạy.

Một buổi sáng nọ, như thường lệ, Đức Phật đắp y, mang bát, vào thành Savatthi khất thực. Sau khi khất thực và dùng bữa xong, Ngài quay trở về và đi trên con đường tên cướp Angulimāla đi mỗi ngày. Những người đi đường và làm đồng, chăn bò gần đó thấy vậy hết lòng can ngăn, nhưng Đức Phật vẫn giữ im lặng, tiếp tục đi, không hề lo sợ.

Thấy Đức Phật đang đi một mình, tên cướp Angulimāla liền xuất hiện. Y mừng lắm và liền khởi tâm giết Ngài. Y chỉ chờ có vậy, vì còn thiếu một ngón tay nữa thôi là đủ túc số cho vòng hoa làm bằng 1.000 ngón tay trỏ phải từ 1.000 người do chính y ra tay sát hại. Y lấy kiếm và tấm khiên, đeo cung và tên vào, đi theo sau lưng Đức Phật.

Thế rồi Đức Phật dùng thần thông khiến cho tên cướp Angulimāla, dầu cho đi với tất cả tốc lực cũng không có thể bắt kịp Ngài đang đi với tốc lực bình thường. Tên cướp Angulimāla nghĩ: “Lạ thật, trước đây ta có thể đuổi kịp con voi, con ngựa, con nai và cả chiếc xe đang chạy, mà bây giờ không thể đuổi theo kịp Sa-môn Cồ Đàm đang đi bình thường”.

Tên cướp nói: “Hãy dừng lại, Sa-môn! Hãy dừng lại, Sa-môn!”.

Đức Phật khoan thai đáp: “Ta đã dừng rồi, này Angulimāla! Và ngươi hãy dừng lại!”.

Tên cướp nghĩ Sa-môn Cồ Đàm không bao giờ nói dối, vậy lời nói này có ý nghĩa gì. Thế là Angulimāla hỏi: “Ông đi mà lại nói ‘Ta đã dừng rồi’, còn tôi dừng, thì ông nói ‘sao tôi không dừng’ nghĩa là sao?”

Đức Phật giải thích: “Với mọi chúng sanh, Ta bỏ trượng, kiếm; còn ngươi, không tự kiềm chế, gieo rắc giết chóc và hận thù, nên ta đã dừng mà ngươi chưa dừng”.

Đức Phật đã sử dụng phương tiện để có thể gởi bức thông điệp có tác dụng đánh động mạnh mẽ tâm thức của Angulimāla, rằng “Ta đã dừng từ lâu; còn ngươi thì chưa dừng”. Đức Phật đã thành công trong việc “trước dùng dục câu dắt, sau dùng trí để nhớ”. Trước Ngài thể hiện thần thông, nhằm thỏa mãn lòng ham muốn hiếu kỳ của tướng cướp này, sau Ngài dùng tâm từ bi và trí tuệ để nhiếp phục Angulimāla. Nhìn cả quá trình cảm hóa này, ta thấy nhờ những lời khai tâm mở trí đầy tâm từ của Đức Phật mà một tướng cướp khát máu đã trở thành một vị Tỳ-kheo trong Tăng đoàn. Đây là gì mà không phải giáo hóa thần thông?

Trong suốt cuộc đời giáo hóa chúng sanh với mục đích giúp người chuyển mê khai ngộ, Đức Phật chỉ chú trọng đến giáo hóa thần thông, còn biến hóa thần thông và tha tâm thần thông, Ngài cho rằng sẽ đưa đến nhiều nguy hiểm nếu lạm dụng chúng (Tăng chi bộ kinh, chương Ba pháp, phẩm VI, kinh 60).