• 2 năm trước
Tam Anh Kết Nghĩa Vườn Đào
Quan Vũ: Tướng mạo đường đường uy phong lẫm liệt

Sau khi Lưu Bị và Trương Phi gặp nhau, kế đến là sự xuất hiện của Quan Vũ. Trương Phi giọng như sấm rền, thế như ngựa phi, Quan Vũ thì tướng mạo và uy phong như Thần khiến người ta vừa thấy đã giật mình kinh sợ. Quan Vũ “mình cao chín thước, râu dài hai thước, mặt đỏ như gấc, môi như bôi son, mắt phượng mày ngài, oai phong lẫm liệt”. (1)

“Tướng mạo đường đường uy phong lẫm liệt” đến như thế, dáng vẻ thiên nhân của Quan Vũ dường như khiến người ta phải kinh sợ, thế nên không cần ngôn từ hoa mỹ để miêu tả ông, bởi toàn thân chính khí nên vì thế uy nghiêm cũng tự sinh ra. Người như vậy thì nhất định là người trung nghĩa, uy vũ bất khuất, khí chất kiên cường. Và cái vẻ ngoài tướng mạo đường đường uy phong lẫm liệt đó đã lọt vào mắt của Lưu Bị.

Chuyện là ngày hôm ấy Lưu Bị và Trương Phi gặp nhau rồi cùng vào quán uống rượu bàn chuyện, chẳng bao lâu sau thì nhìn thấy một đại hảo hán đẩy một cái xe đến trước quán rượu, bảo tiểu nhị mau chóng mang rượu lên, người này nói một lúc nữa sẽ đi tòng quân. Tất cả những chuyện ấy đều lọt vào mắt của Lưu Bị, Lưu Bị bèn đến mời đại hảo hán cùng ngồi chung, rồi mới tìm hiểu thân thế tên họ. Người đó là Quan Vũ, tự Vân Trường, người làng Giải Lương tỉnh Hà Đông (nay thuộc tỉnh Sơn Đông), 5 – 6 năm trước vì gặp chuyện bất bình vì dân trừ hại nên đã giết chết một tên cường hào ỷ thế hiếp người ở đó, do không thể không trốn nạn nên đã lưu lạc giang hồ đến tận đây, nghe nói rằng quan phủ đang chiêu quân diệt tặc nên đến ứng tuyển.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Quan Vũ chính là bậc anh hùng hào kiệt, trên đường gặp chuyện bất bình nên ra tay trượng nghĩa, vì có tin quan phủ chiêu mộ nghĩa quân giúp dân diệt trừ thảo tặc, nên trong lòng rất gấp rút, dự định đến ăn chút cơm rượu rồi đi đầu quân, vừa khéo lại gặp Lưu Bị và Trương Phi ở đây. Chúng ta có thể thấy ba nhân vật Lưu, Quan, Trương đức – chí tương đồng. Ba người chí hướng vốn đã hợp, họ hẹn sẽ cùng nhau đến gia trang của Trương Phi chuẩn bị chiêu mộ nghĩa binh và cùng nhau thương thảo chuyện diệt trừ thảo tặc.

Kết nghĩa ở đào viên, trọng ở lời thề

Theo đề nghị của Trương Phi thì nhà ông có một vườn đào, đương mùa hoa nở rộ, chi bằng ngày mai sẽ cho người lập hương án bái tạ trời đất kết thành huynh đệ, cùng nhau làm việc đại sự. Đó là nguồn gốc của câu chuyện kết nghĩa đào viên mà người ta quen thuộc nhất. Bởi vì ba người ở vườn đào kết bái thành huynh đệ nên câu chuyện này người ta cũng gọi là chuyện kết nghĩa đào viên.

Đó là hàm nghĩa ở tầng bề mặt nhất. Hàm nghĩa thực sự ở tầng thâm sâu hơn của kết nghĩa đào viên là họ đã phát thệ với trời đất, lời thề này mới là cái “nghĩa” mà ba người sẽ cùng nhau gìn giữ đến cùng. Nghĩa là họ kết thành huynh đệ, mục đích là để thực hiện chí nguyện chung được nêu trong lời thề ấy. Đây mới là chi tiết quan trọng nhất của câu chuyện. Nếu như chúng ta xem nhẹ lời thề này thì chính là đã bỏ đi phần linh hồn của bộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa rồi.

Được khuyến cáo