Đền thờ Nguyễn Trãi trong quần thể đền Côn Sơn

  • 8 năm trước
Côn Sơn thuộc địa bàn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương không chỉ là một danh thắng nổi tiếng ở Việt Nam mà còn là nơi hội tụ các giá trị to lớn về nhiều mặt: lịch sử, văn hoá, tôn giáo. Địa danh nổi tiếng này còn gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các bậc tiền nhân có công với đất nước như Tể tướng Trần Nguyên Hãn và Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình trọng điểm trong khu Côn Sơn, di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước, được khánh thành vào tháng 9/2002. Đền được xây dựng dưới chân núi Ngũ Nhạc liền với núi Kỳ Lân có kiến trúc theo truyền thống trong một khuôn viên đẹp. Con suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu Đền tạo nên khung cảnh trữ tình. Con đường dẫn vào đền chính qua một chiếc cầu đá, nghi môn nội, nghi môn ngoại trước khi đến tam quan, điện thờ. Ngoài ra, còn có hai nhà tả vu, hữu vu, Nhà Bia, Am hoá vàng... Trong tam quan có pho tượng Nguyễn Trãi đúc bằng đồng. Ngôi đền là biểu hiện to lớn lòng biết ơn, sự trân trọng của nhân dân ta đối với người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi

Chùa Côn Sơn tên chữ là "Thiên Tư Phúc Tự", nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét. Tiếp đến nhà Tổ là nơi thờ các vị tổ có công tu nghiệp đối với chùa: Điều ngư Trúc Lâm Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang. Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm phong trần xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm. Tam quan được tôn tạo năm 1995, kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê. Sân chùa có 4 nhà bia.

Chùa nằm dưới chân núi Côn Sơn. Tương truyền nơi đây là nơi hun gỗ làm than và đã từng diễn ra trận hoả công hun giặc, dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ X. Nên ngoài tên gọi Côn Sơn, núi còn có tên là Kỳ Lân hay núi Hun. Chùa "Thiên Tư Phúc Tự" trong dân gian quen gọi theo tên núi là chùa Côn Sơn hay còn gọi là Chùa Hun.

Thiền sư Huyền Quang vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm - một thiền phái mang màu sắc dân tộc Việt Nam đã về tu ở chùa Côn Sơn. Tại Côn Sơn Huyền Quang cho lập đài Cửu phẩm liên hoa, biên tập kinh sách, làm giảng chủ thuyết pháp phát triển đạo phái không ngừng. Ngày 22 tháng giêng năm Giáp Tuất (1334) Thiền sư Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn. Vua Trần Minh Tông đã cấp cho ruộng để thờ và cho xây tháp tổ sau chùa, đặc phong Tự Tháp "Huyền Quang tôn giả".

Chùa Côn Sơn có từ thời Trần (truyền thuyết cho rằng Chùa có từ thời Đinh), năm Khai Hựu nguyên niên (1329), được Pháp Loa tôn tạo với quy mô lớn. Dấu vết của lần trùng tu này còn hiện diện đến nay. Nguyễn Trãi từng làm Đề cử chùa Côn Sơn. Chùa Côn Sơn xưa nay là danh lam cổ tích của đất nước, hiện còn nhiều dấu tích và cổ vật có giá trị.

Category

🏖
Travel

Được khuyến cáo